Khớp cắn ngược là dạng sai khớp cắn phổ biến hay gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành. Nhiều người lo lắng không biết tình trạng khớp cắn ngược của mình nặng hay không? Có thể chữa khỏi được không? Và chữa bằng cách nào?
Trên thực tế lâm sàng, cắn ngược có rất nhiều dạng với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Về phân loại chia thành 2 nhóm chính là cắn ngược do răng, cắn ngược do xương. Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Diệu – trực thuộc khoa nắn chỉnh răng sẽ thông tin tới bạn cách nhận biết và các phương pháp điều trị khớp cắn ngược nặng do xương.
Đặc điểm khớp cắn ngược do xương
- Quan sát rõ mặt nghiêng có kiểu hình lõm với cằm nhô ra trước nhiều hay hàm trên bị lép lõm vào trong. Ngoài ra có thể có lệch mặt khi nhìn thẳng
- Răng cửa hàm dưới nhô ra trước nhiều so với răng cửa hàm trên. Có thể kèm theo cắn sâu hoặc cắn hở.
- Cung răng hàm trên thường hẹp và có thể kèm theo cắn chéo vùng răng sau
Đánh giá mức độ nặng của trường hợp cắn ngược
-
Trường hợp cắn ngược ở trẻ em
Dù điều trị tăng trưởng ở trẻ em có thể sửa chữa cắn ngược do xương nhưng không phải tất cả các trường hợp đều có thể giải quyết hết cắn ngược. Và những trường hợp không thể điều trị hết ngược hoàn toàn ở trẻ em được coi là ca nặng và tiên lượng cao cần phải phẫu thuật trong tương lai. Những phân tích dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng cắn ngược nặng ở trẻ em và những điều trị hiệu quả giúp cải thiện trường hợp này
Trước tiên chúng ta quan sát hình ảnh mô học đường ráp khớp giữa khẩu cái dưới đây:
Đây là hiện tượng “cài răng lược” của các đường ráp khớp xương khẩu cái, khi trẻ càng lớn thì đường ráp khớp cài vào nhau càng nhiều. Bên cạnh đó, để can thiệp vào tăng trưởng xương cần tác động lực làm tách các đường khớp, khi sự cài khớp càng nhiều thì việc tách ra càng khó và cần những can thiệp tách xương phức tạp hơn. Do vậy, trẻ em nên được điều trị cắn ngược từ sớm khoảng 6 – 10 tuổi khi mà các đường khớp chưa gài vào nhau nhiều.
Khí cụ Facemask – là khí cụ điều trị cắn ngược hiệu quả ở trẻ em, giúp kích thích tăng trưởng của xương hàm trên, đồng thời làm xương hàm dưới xoay xuống dưới và ra sau giúp loại bỏ dấu hiệu cắn ngược.
Đã rất nhiều trường hợp được giải cắn ngược thành công với loại khí cụ này. Ví dụ như bạn nhỏ Bảo Nhi 9 tuổi đã thoát cắn ngược thành công sau hơn 1 năm điều trị với Facemask
Tuy nhiên, xương hàm trên sẽ dừng tăng trưởng lúc 14 tuổi và xương hàm dưới dừng tăng trưởng vào khoảng 18 tuổi. Khác với sự tăng trưởng từ các đường khớp nối như hàm trên, hàm dưới tăng trưởng chủ yếu từ sụn thứ phát đặc biệt ở vị trí chỏm lồi cầu. Với sự tăng trưởng này khó để can thiệp hạn chế tăng trưởng tối đa và nguy cơ tái phát cắn ngược khi trẻ lớn dần lên.
Điều này giải thích vì sao mà có những ca đã điều trị gần như hết ngược từ bé nhưng khi trẻ lớn dần hơn lại tái phát cắn ngược trở lại. Và những ca như vậy thường phải chờ đến khi xương hàm dưới dừng tăng trưởng vào khoảng 18 tuổi để tiếp tục điều trị cắn ngược bằng phương pháp điều trị bù trừ hoặc phẫu thuật.
Dù vậy việc điều trị sớm cắn ngược nặng ở trẻ em bằng việc kích thích tăng trưởng xương hàm trên và xoay xương hàm dưới sẽ làm giảm mức độ nặng của ca khi trẻ trưởng thành. Nếu phụ huynh phát hiện sớm tình trạng nên đưa trẻ đến nha khoa để thăm khám và có hướng điều trị tốt nhất cho con mình.
-
Trường hợp cắn ngược ở người trưởng thành
Trước khi đi vào phân tích cụ thể mức độ nặng của những ca cắn ngược do xương ở người trưởng thành thì ta cần tìm hiểu trước chỉ số DI (Discrepancy Index) – là chỉ số đánh giá mức độ phức tạp một ca niềng răng được đưa ra bởi Hội đồng Chỉnh nha Hoa Kỳ (ABO).
Chỉ số này đánh giá dựa trên những yếu tố sau:
- Độ cắn chìa
- Độ cắn phủ
- Độ cắn hở
- Độ cắn chéo
- Độ chen chúc
- Mối tương quan khớp cắn răng hàm
- Phân tích chỉ số trên phim Cephalometrics
- Các yếu tố khác như: Răng thừa, răng cứng khớp, răng dị dạng, răng ngầm (trừ răng số 8), lệch đường giữa, thiếu răng, mất răng, khe thưa, răng hoán vị, bất cân xứng xương hàm
Từ những yếu tố trên cho thấy, một ca mà có kèm theo nhiều yếu tố bất thường được nêu trên thì chỉ số DI càng cao, nghĩa là ca đó càng nặng và điều trị càng phức tạp
Trên lâm sàng chúng ta hay gặp 3 loại cắn ngược do xương sau:
- Cắn ngược do xương hàm trên kém phát triển
- Cắn ngược do quá phát xương hàm dưới
- Cắn ngược do cả 2 nguyên nhân kém phát triển xương hàm trên và quá phát xương hàm dưới
Ví dụ một trường hợp khớp cắn ngược nặng với hàm trên kém phát triển: Bạn nam có dị tật bẩm sinh khe hở môi- vòm miệng từ bé nên ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của xương hàm trên gây nên tình trạng cắn ngược. Quan sát có thể thấy rõ đặc điểm môi trên rất lép gây ra sự “gãy” của tầng mặt giữa.
Ví dụ về trường hợp khớp cắn ngược nặng do quá phát xương hàm dưới: Đặc điểm của những ca này thường thấy hàm dưới nhô ra trước nhiều hoặc kèm theo tầng mặt dưới dài, khuôn mặt thiếu sự cân xứng. Nếu dùng tay che đi phần hàm dưới có thể thấy được độ nhô của hàm trên khá bình thường. Chính xác nhất là đánh giá dựa trên những chỉ số phân tích đo được trên phim Cephalometrics, những chỉ số đánh giá độ nhô của hàm trên, hàm dưới so với nền sọ cho thấy được tình trạng cắn ngược có phải do xương hay không và do bất thường ở hàm trên hay hàm dưới – đây là công cụ không thể thiếu khi thăm khám chỉnh nha.
Đây là kiểu sai hình cắn ngược nặng nhất trong 3 loại. Do có sự chênh lệch lớn theo chiều trước sau của xương hàm trên và hàm dưới nên mức độ cắn ngược với những ca này thường nặng và đặc điểm nhận biết cũng dễ quan sát được với kiểu mặt nghiêng có môi trên lép và hàm dưới nhô ra trước nhiều hơn bình thường, đồng thời sự chênh lệch của các chỉ số tương quan độ nhô 2 hàm trên phim Cephalometric cũng lớn (Convexity = -13,3mm – giá trị bình thường là 0-2mm).
Hướng điều trị tốt nhất cho những ca cắn ngược nặng này là phẫu thuật chỉnh hình để điều chỉnh được hoàn toàn tình trạng cắn ngược, cải thiện nét mặt nghiêng lõm đặc trưng của những ca cắn ngược, tạo được khớp cắn sinh lý và ổn định nhất.
Tuy nhiên chi phí phẫu thuật khá là đắt đỏ nên cũng có nhiều trường hợp không thể thực hiện được. Vậy nên chỉnh nha bù trừ cũng là một lựa chọn giúp giải quyết cắn ngược. Nhưng với chỉnh nha bù trừ sẽ không làm thay đổi nét mặt nghiêng vốn có và cũng có những giới hạn bù trừ nhất định không phải tất cả các trường hợp đều thực hiện được.