Có nên thực hiện niềng răng 1 hàm không? Giải pháp nào tốt nhất?

Niềng răng là điều trị được rất nhiều người quan tâm sử dụng và khuyến khích hiện nay. Điều trị niềng răng giúp cải thiện thẩm mỹ, sửa răng lệch lạc, hô, móm, niềng theo chỉ định của phục hình hoặc khớp cắn… Nhưng nếu chỉ muốn niềng răng 1 hàm thì có được không? Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ giải đáp cho các bạn.

Có nên thực hiện niềng răng một hàm không? 

Có nên niềng răng 1 hàm không?

Câu hỏi có nên niềng răng một hàm không là vấn đề được rất nhiều khách hàng quan tâm bởi nhiều người thấy mình chỉ bị khuyết điểm ở 1 hàm răng nên nghĩ rằng chỉ cần niềng 1 hàm là đủ? 

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp thì bác sĩ thường chỉ định niềng răng 2 hàm để đảm bảo kết quả tối ưu nhất. Vì việc niềng răng không chỉ là vấn đề nắn chỉnh răng sao cho đẹp mà còn các tiêu chuẩn khác như ăn khớp, tính liên hàm và tính ổn định. 

Cũng có một số trường hợp đặc biệt, khi chỉ cần điều chỉnh ít răng và việc điều chỉnh này không ảnh hưởng ăn khớp hàm trên hàm dưới thì vẫn thực hiện được 1 hàm . 

Tuy nhiên khi cần thay đổi hẳn vị trí răng sự thay đổi này làm thay đổi khớp cắn khi đóng hàm, thì sẽ gây nhiều vấn đề như thay đổi kích thước dọc, tái phát, mòn răng, chấn thương khớp cắn…

Niềng răng 1 hàm cũng có thể được áp dụng trong một số trường hợp răng trẻ em bị lệch lạc nhẹ… Tuy nhiên, đây chỉ là can thiệp sớm trước khi có thể sẽ phải bước vào chỉnh nha 2 hàm toàn diện sau đó. Niềng một hàm với trẻ em khá thường gặp và chúng tôi đánh giá hiệu quả tốt. 

Trường hợp nào nên niềng 1 hàm, trường hợp nào niềng 2 hàm?

+ Với răng hô 

Không thể niềng 1 hàm, bắt buộc phải niềng 2 hàm. Nhiều bạn thấy hàm trên hô nhưng hàm dưới bình thường. Nhưng bạn thử tưởng tượng hàm răng đã ăn khớp bao nhiêu năm như vậy, nếu kéo 1 hàm lùi sau còn để 1 hàm đứng yên không can thiệp gì thì khi đó sự ăn khớp không còn nữa. Và hiệu quả ăn nhai sẽ không cao, nguy cơ tái phát sẽ lớn hơn. Chưa kể các điểm chặn khớp cắn hàm dưới gây cản trở, làm việc kéo hàm khó khăn, mình cũng không thể sử dụng được các chun liên hàm khi kết thúc. Vì vậy trường hợp răng hô sẽ không niềng được 1 hàm.

+ Với răng móm

Trường hợp móm nhẹ 1 vài răng thì có thể niềng 1 hàm, nhưng kết quả điều trị chỉ dừng lại ở giải móm chứ không hoàn hảo về thẩm mỹ do không dùng được cơ học liên hàm. 

Trường hợp móm nặng hay móm do xương thì bắt buộc phải niềng 2 hàm để thực hiện kéo hàm dưới lùi sau 1 chút, hàm trên ra ngoài 1 chút. Khi đó nhìn khuôn mặt mới hài hòa. Vậy rõ ràng niềng 1 hàm sẽ không khả thi.

+ Với răng khấp khểnh

Bác sĩ thường chỉ định niềng 2 hàm. Trừ trường hợp lệch lạc một vài chiếc răng cửa hàm trên hoặc dưới rất nhẹ mà có thể xoay lại bằng động tác xẻ kẽ. Cần xem thiếu khoảng có nhiều không, nếu để giải chen chúc cần nhổ răng thì bắt buộc phải niềng 2 hàm. Nếu khấp khểnh kết hợp tình trạng khác như hô, móm, cắn sâu…cũng phải niềng 2 hàm.

+ Với răng thưa

Có thể niềng được 1 hàm nếu thưa rất ít, tuy nhiên phải mài chỉnh khớp cắn sau điều trị tương đối nhiều. Nếu thưa răng nhiều, tại nhiều điểm thì không thể niềng 1 hàm do không tạo ra khớp răng hàm tốt. Nha sĩ có thể sử dụng phương pháp setup mẫu hàm mô phỏng quá trình răng dịch chuyển để bạn thấy rõ và có sự lựa chọn của riêng mình.

+ Niềng răng khớp cắn sâu: Phải niềng 2 hàm

Khớp cắn sâu là tình trạng răng cửa hàm trên che hơn 2/3 răng cửa dưới. Niềng răng sẽ mang tới cho bạn khớp cắn chuẩn hơn, giải cắn sâu. Trường hợp này buộc phải niềng 2 hàm. 

+ Niềng răng cắn hở: Phải niềng 2 hàm

Cắn hở tức là khi bạn cắn mạnh 2 hàm vẫn không chạm nhau. Trường hợp này nha sĩ sẽ phải dùng cơ học liên hàm kết hợp các bài tập vận động để mang lại kết quả tốt nhất. 

+ Răng kẹ thừa

Bạn sẽ thấy có một cái răng thừa mọc chèn ở giữa 2 răng cửa, hình thể thường dị dạng như nhỏ và nhọn. Trường hợp này cũng bắt buộc phải niềng 2 hàm do khoảng trống tạo ra khi nhổ răng kẹ là rất lớn. Nếu 1 hàm di chuyển, 1 hàm đứng yên sẽ không tạo ra được tiếp xúc khớp cắn lý tưởng. Tuy nhiên cũng có vài trường hợp ngoại lệ.  

Một vài trường hợp nữa cũng có thể niềng 1 hàm như khi bệnh nhân bị răng mọc trồi, nghiêng, đổ răng mà bên mấy bác sỹ trồng răng chuyển sang cho bác sĩ chỉnh nha để dựng trục hay đánh lún các răng nghiêng đổ này và cũng chỉ cần niềng 1 hàm.

Về bản chất thì  niềng răng 2 hàm cho các bạn kết quả tuyệt vời, và dễ kiểm soát hơn. Niềng răng 1 hàm là hiếm và chứa đựng nhiều rủi ro nếu thực hiện không đúng chỉ định. Hi vọng thông tin bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về kiến thức nắn chỉnh răng trong ngành niềng răng. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Facebook Chat