Tật đẩy lưỡi (đẩy lưỡi bẩm sinh) là một thói quen xấu thường gặp ở trẻ nhỏ, nó có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho răng, khớp cắn, thậm chí là phát âm của trẻ. Đối với người lớn khi có tật đẩy lưỡi có thể gây tình trạng hô, khe thưa răng cửa ngày càng trầm trọng. Vậy tật đẩy lưỡi là gì? Tác hại như thế nào? Mời các bạn cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây.
Tật đẩy lưỡi là gì?
Bình thường lưỡi của chúng ta nằm hoàn toàn trong khoang miệng. Lưỡi sẽ không gây ra lực đẩy lên các răng, tuy nhiên nếu lưỡi sai tư thế đặt vào giữa răng hàm trên hàm dưới, đẩy vào gót răng cửa hàm trên trong khi nuốt hoặc trạng thái nghỉ thì sẽ gây ra những tác dụng có hại về cả thẩm mỹ lẫn chức năng trên bộ răng. Tật đẩy lưỡi rất thường gặp ở trẻ nhỏ với tỷ lệ từ 60 – 90%.
Người bình thường có động tác nuốt khoảng 1000 – 2000 lần mỗi ngày. Và mỗi lần nuốt tạo ra lực đẩy khoảng 1800g (4 pound), lực bất lợi này nếu tác động thời gian lâu dài, mãn tính thì chắc chắn sẽ khiến răng lệch lạc mức độ từ trung bình đến nặng. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi bạn đẩy lưỡi nặng là gây ra cắn hở, hô, thưa răng.
Cắn hở nghĩa là hàm trên hàm dưới không thể cắn khít với nhau khi bạn đóng hàm tối đa. Thực tế điều trị cắn hở là một trong những điều trị khó nhất trong chuyên ngành nắn chỉnh răng. Nếu như trong thời gian đeo niềng nha sĩ có thể đóng cắn hở thì để duy trì được kết quả vẫn cần thêm những nỗ lực của bạn. Bạn cần tập lưỡi để giảm dần thậm chí loại bỏ thói quen xấu.
Tác hại của tật đẩy lưỡi
Đẩy lưỡi có thể là đẩy ra trước, đẩy sang 1 bên hoặc cả 2 bên. Và khi đó gây ra những hậu quả dễ thấy lên bộ răng gồm:
- Cắn hở các răng phía trước, bạn sẽ thấy răng trước không thể cắn lại được, tình trạng này có thể kèm với răng thưa. Nhiều bệnh nhân bị thưa đến điều trị sau do không nghiêm chỉnh tập lưỡi lại bị tái phát trở lại cực kỳ đáng tiếc. Bệnh nhân cắn hở ngoài ảnh hưởng thẩm mỹ, chức năng ăn nhai còn khó khăn trong việc phát âm các âm như s,z…
- Đẩy lưỡi phía trước: Răng cửa trên nhô ra phía trước, răng cửa dưới ngả vào trong (do cường cơ cằm);
- Đẩy lưỡi 1 bên: Có khớp cắn hở 1 bên;
- Đẩy lưỡi 2 bên: Khớp cắn phía trước đóng, các răng phía sau (từ răng tiền hàm đầu tiên tới răng hàm cuối cùng) bị cắn hở cả 2 bên. Đây là kiểu đẩy lưỡi khó khắc phục, khó điều trị;
- Đẩy lưỡi cắn khít: Các răng phía trước ở hàm trên và hàm dưới đều bị nghiêng ra phía trước, thưa nhau.
Cách để khắc phục tật đẩy lưỡi hiệu quả
Như đã nói, tật đẩy lưỡi diễn ra trong vô thức nên việc điều trị thường khó khăn, khi đó sẽ cần sự chủ động và kiên trì của người bệnh mới có thể dần khắc phục tình trạng này. Để kiểm soát tật đẩy lưỡi thì bạn cần luyện tập các bài tập lưỡi và kết hợp với các khí cụ hỗ trợ khác.
Do tật đẩy lưỡi diễn ra trong vô thức nên việc điều trị khá khó khăn, bạn cần chủ động và kiên trì mới có thể khắc phục tình trạng này. Bạn có thể thực hiện sửa tật đẩy lưỡi bằng cách thực hiện bài tập dưới đây trong thời gian dài:
- Đầu tiên bạn đặt đầu lưỡi vào mặt trong của lợi ngay phía sau răng cửa hàm trên
- Cắn 2 hàm lại
- Sau đó bạn nuốt nhưng điều chỉnh để để lưỡi không chạm vào các răng cửa. Động tác đúng là lưỡi đi lên phía vòm họng.
Bạn có thể coi mỗi gạch đầu dòng là một nhịp đếm và sau đó đếm 1,2,3. Cứ như vậy bạn dành thời gian hằng ngày để tập luyện, khi thành thục, bạn hãy tập một chút với đồ ăn, nước lọc. Bạn cần rất kiên nhẫn. Tật đẩy lưỡi cực kỳ có hại cho chức năng, thẩm mỹ hàm răng vậy nên tập lưỡi là vấn đề hệ trọng chứ không nên coi nó như trò đùa và bạn bỏ cuộc bất cứ khi nào bạn muốn.
Bạn sắp xếp thực hiện động tác nuốt khoảng 2 lần một ngày, mỗi lần khoảng 5 phút, bạn có thể quan sát hiệu quả tập luyện bằng cách dùng ngón tay giữ cho 2 môi mở đứng trước gương và khi nuốt thì có thể quan sát rõ ràng lưỡi không đẩy vào răng nữa là đạt yêu cầu.
Với trường hợp đẩy lưỡi ở tư thế nghỉ, thường môi sẽ không khép chặt, miệng mở, lưỡi đẩy ra phía trước. Bạn để ý sẽ cảm giác lưỡi chạm vào răng chứ không phải là vùng lợi. Bài tập được khuyến cáo là đặt đầu lưỡi lên vòm họng sau đó bật thành các tiếng tặc tặc liên tục.
Bạn nhớ mỗi lần phát hiện lưỡi đẩy vào răng thì cứ tập. Bài tập này cực kỳ hiệu quả khi kéo giảm hô cho bệnh nhân có lưỡi to kết hợp đẩy lưỡi. Đối với trẻ em ở nhà phụ huynh có thể biến đối bài tập bằng cách yêu cầu trẻ phát âm các chữ cái như D, T, K, L… hoặc các bài hát đơn âm theo hướng dẫn của bác sĩ trị liệu.
Thời gian đầu bài tập đẩy lưỡi có thể chưa mang lại hiệu quả nhưng về lâu dài khi đã xác định được động tác chuẩn xác thì sẽ có hiệu quả rất cao. Một số trường hợp bệnh nhân khó hợp tác thì khi niềng răng bác sĩ sẽ chỉ định bạn đeo khí cụ là nút chặn lưỡi, hàng rào chặn lưỡi hoặc thanh khẩu cái. Các khí cụ này có tác dụng hỗ trợ quá trình tập luyện của bạn trong thời gian đầu khi chưa quen với tư thế lưỡi đúng.
Nếu bạn đang có tật đẩy lưỡi hãy nhanh chóng khắc phục để tránh những hậu quả xấu, đặc biệt là những bạn đang niềng răng thì việc điều chỉnh thói quen này lại càng cần thiết hơn. Hi vọng thông tin bài viết sẽ hữu ích với bạn đọc.
Tật đẩy lưỡi (đẩy lưỡi bẩm sinh) là một thói quen xấu thường gặp ở trẻ nhỏ, nó có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho răng, khớp cắn, thậm chí là phát âm của trẻ. Đối với người lớn khi có tật đẩy lưỡi có thể gây tình trạng hô, khe thưa răng cửa ngày càng trầm trọng. Vậy tật đẩy lưỡi là gì? Tác hại như thế nào? Mời các bạn cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây.
