Biến chứng cấy Minivis và cách xử trí – nha khoa Thùy Anh

Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, sự lên ngôi của hợp kim mới đã mở ra cơ hội cho những khí cụ, thiết bị mới trong lĩnh vực chỉnh nha – một lĩnh vực đang rất phát triển trong ngành nha khoa. Một trong những khí cụ mới đó là Minivis hay Miniscrew. Minivis ra đời được coi như một cuộc cách mạng trong chỉnh nha, việc neo chặn trở nên đơn giản, tiện lợi hơn và giúp giảm rất nhiều phiền toái cho bệnh nhân so với các khí cụ neo chặn cổ điển.

Hình ảnh một số loại minivis thông dụng tại Nha khoa Thùy Anh

Tuy nhiên, cắm Minivis là 1 thủ thuật có xâm lấn, vì thế các biến chứng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Mai – trực thuộc khoa nắn chỉnh răng tại nha khoa Thùy Anh sẽ chia sẻ với các bạn về biến chứng của cấy Minivis và cách xử trí. Mời các bạn cùng tham khảo. 

Các biến chứng trong và sau khi cắm Minivis

  • Tổn thương các cấu trúc giải phẫu

Minivis khi cấy sai kỹ thuật có thể xâm lấn vào các cấu trúc giải phẫu lân cận như chân răng, hốc mũi, xoang hàm, mạch máu và thần kinh của bệnh nhân. Bởi vậy, để tránh biến chứng này thì ngoài kinh nghiệm lâm sàng dày dặn, các bác sĩ cần có các thiết bị cận lâm sàng hỗ trợ như phim X – quang tại chỗ hay phim CT conebeam cũng rất cần thiết. 

Về phía bệnh nhân cũng có thể cảm thấy trong một số trường hợp, ví dụ khi Minivis đi vào vùng chân răng sẽ làm bệnh nhân rất đau buốt. Tuy nhiên việc vis xâm phạm chân răng hay dây chằng quanh răng không phải lúc nào cũng gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Bề mặt chân răng bị tổn thương sẽ hồi phục hoàn toàn sau 12 tuần với điều kiện không viêm nhiễm, tổn thương chân răng hầu như không ảnh hưởng tới tuổi thọ của răng chừng nào chưa ảnh hưởng đến tủy.

Với các bác sĩ được đào tạo bài bản, nắm chắc giải phẫu thì việc cắm vis đi vào các vị trí đặc biệt như mạch máu hay dây thần kinh là việc rất hiếm xảy ra. Tai biến này có thể gặp trong trường hợp minivis được cắm tại vùng đường giữa khẩu cái hàm trên do vùng này gần với đường đi của dây thần kinh mũi khẩu cái và động mạch khẩu cái.

Hình ảnh Minivis được cắm ở vị trí đường giữa khẩu cái hàm trên (hình bên phải)

Một cấu trúc giải phẫu nữa cũng thường bị tổn thương trong quá trình cấy minivis là phần xoang hàm trên, minivis quá dài có thể đi qua nền xoang và đi vào xoang, trong trường hợp xoang hàm không viêm nhiễm gì thì việc minivis đi vào xoang hàm sẽ gây những biến chứng rất nhẹ hoặc không gây biến chứng gì tuy nhiên các bác sĩ thường cố gắng để không đi vào chỗ này làm gì cả. Một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể cố tình cắm minivis xuyên qua xoang hàm trên để đạt được hiệu quả điều trị, tình huống này coi như là một chỉ định đặc biệt.

Hình ảnh Minivis được bác sĩ cố ý cắm xuyên qua nền xoang trong trường hợp sử dụng khí cụ MSE nong hàm, được chụp trên phim ct-conebeam.

 Với sự hỗ trợ từ hệ thống cận lâm sàng hiện đại như X – quang tại chỗ CT conebeam, các bác sĩ ở Nha khoa Thùy Anh chúng tôi hầu như tránh được những tổn thương đến cấu trúc giải phẫu khi cấy minivis.

Hình ảnh Minivis được cắm rất tốt vào xương hàm vị trí tương ứng vùng chân răng cửa và được chụp bằng phim x-quang tại chỗ ở nha khoa Thùy Anh.
  •  Lung lay minivis ngay sau khi cắm

 Thường gặp trong các trường hợp bệnh nhân không đủ chiều dày xương ở vị trí cắm vis hoặc xương quá xốp. Cũng có thể do rung lắc quá nhiều trong quá trình cắm làm giảm sự tiếp xúc giữa xương và vis. Để khắc phục chỉ cần thay thế bằng một minivis có đường kính lớn hơn. Nếu bạn là bệnh nhân và thấy bác sĩ đã cắm 1 minivis nhưng lại tháo ra và thay thế bằng 1 minivis có kích thước lớn hơn thì đừng lo lắng nhé.

  • Gãy minivis

Lớp xương vỏ bao phủ bên ngoài xương cứng hơn phần xương bên trong nhiều mạch máu. Để cắm minivis vào xương, trước tiên sẽ phải xuyên qua lớp xương vỏ này. Nếu bệnh nhân có xương vỏ đặc bất thường thì khi cắm vis sẽ tạo ra lực xoắn vặn lớn và gây ra hiện tượng gãy. May mắn là trường hợp này rất hiếm khi xảy ra. 

Khi minivis bị gãy, nếu đoạn gãy nằm quá sâu ở trong xương thì hoàn toàn có thể để lại vì các vật liệu cấu tạo minivis hiện nay có thể tích hợp rất tốt trong xương. Còn nếu đoạn minivis gãy nằm ở nông, bác sĩ hoàn toàn có thể thực hiện thủ thuật lấy đoạn gãy này ra an toàn và nhẹ nhàng.

Hình ảnh Minivis bị gãy được phẫu thuật lấy ra
  • Các biến chứng mô mềm

Niêm mạc xương ổ răng hay niêm mạc di động là phần niêm mạc nằm giữa ngách lợi và lợi dính, phần niêm mạc này có khả năng di động khi bạn cử động cơ môi má.

Hình ảnh giải phẫu vùng mô lợi (nướu) quanh răng

Vì có khả năng di động nên khi cắm vis qua vị trí này có thể gây hiện tượng mô mềm lỏng lẻo quấn quanh vòng ren của minivis. Bác sĩ chỉ cần 1 đường rạch nhỏ bằng mũi dao trước khi cắm để giải quyết hiện tượng này.

Các biến chứng trong thời gian tải lực

  • Lung lay vis trong thời gian tải lực

Tình trạng này thường gặp nhiều hơn ở các bệnh nhân đang trong độ tuổi tăng trưởng do hoạt động tái cấu trúc diễn ra mạnh mẽ và mật độ xương lại thấp hơn. Nếu vis chỉ lung lay nhẹ vài tuần hoặc vài tháng sau khi tải lực thì không cần phải tháo ra ngay mà vẫn có thể chịu được lực kéo. Bác sĩ sẽ đánh giá qua các lần hẹn và cân nhắc tháo vis khi tình trạng này không cải thiện hoặc có xu hướng gia tăng. Muốn cắm lại vis vào vị trí cũ cần đợi từ 10 – 12 tuần để xương lấp đầy và khoáng hóa lại vùng trống.

  • Vệ sinh răng miệng kém và viêm nhiễm

Vệ sinh răng miệng kém gây tích tụ thức ăn và mảng bám quanh minivis dẫn tới phù nề, phì đại niêm mạc quanh vùng cắm vis. Tình trạng viêm này không đỡ mà tiến triển nặng nề hơn nếu việc vệ sinh răng miệng không được cải thiện .

Hình ảnh viêm nhẹ quanh minivis được cắm ở vị trí cung I

Bệnh nhân chỉnh nha được cắm minivis cần chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ kết hợp với việc sử dụng bàn chải kẽ lông mềm để có thể vệ sinh minivis. Dùng dung dịch betadine đậm đặc để sát khuẩn quanh vis hằng ngày cũng có hiệu quả rất tốt phòng ngừa và điều trị viêm nhiễm quanh minivis.

Phần niêm mạc phì đại phập phều xung quanh minivis có thể loại bỏ để tránh gây khó chịu cho bệnh nhân bằng Laser, sử dụng một đơn thuốc kháng sinh, kháng viêm cũng có tác dụng hỗ trợ rất tốt.

Các biến chứng khi tháo minivis

Sau khi minivis đã hoàn thành chức năng của nó, bác sĩ sẽ tháo vis để tránh nguy cơ viêm nhiễm và cũng giúp cho bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy là thời điểm cuối cùng mà chiếc minivis ở trong miệng bệnh nhân nhưng cũng có thể gặp một số biến chứng như sau:

  • Hiện tượng khó tháo 

Sự tích hợp xương với minivis là điều tốt trong quá trình tải lực nhưng có thể xảy ra một tỉ lệ nhỏ trường hợp tích hợp quá tốt giữa minivis và xương khiến cho việc tháo minivis trở nên khó khăn, bác sĩ nên cẩn thận không tháo tháo quá thô bạo tránh gãy vis.

  • Đau 

Thông thường, thủ thuật tháo vis diễn ra rất nhẹ nhàng và không gây đau. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp bệnh nhân thấy đau, lúc này cần 1 lượng nhỏ thuốc tê tại chỗ là có thể giải quyết vấn đề đau khi tháo minivis.

  • Chảy máu

 Khi tháo minivis ra có thể sẽ chảy máu nhẹ nhưng việc lành thương vẫn diễn ra bình thường.

Trên đây là tổng hợp các biến chứng của minivis trong chỉnh nha và cách xử trí. Hi vọng thông tin bác sĩ Mai cung cấp sẽ giải đáp phần nào thắc mắc của các bạn về kỹ thuật chỉnh nha này. Nếu bạn đang còn băn khoăn về vấn đề nào đó, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải pháp kịp thời nhé. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Facebook Chat