Quy trình thăm khám và thu thập dữ liệu cần để lên kế hoạch điều trị cho một ca chỉnh nha rất quan trọng vì mọi điều trị y khoa để đạt đến kết quả tốt đều cần một nền tảng chẩn đoán với dữ liệu đầy đủ. Nếu bỏ sót chẩn đoán biến chứng có thể đến ngay trong quá trình kích hoạt khí cụ. Trong bài viết dưới đây bác sĩ Quyền (trực thuộc khoa nắn chỉnh răng nha khoa Thùy Anh) sẽ cung cấp tới bạn thông tin về các bước thăm khám và lên kế hoạch chỉnh nha chuẩn y khoa. Mời các bạn cùng tham khảo.
Các bước thăm khám và lên kế hoạch chỉnh nha
Bước đầu tiên, trong buổi hẹn, bác sĩ sẽ hỏi bạn một số thông tin cần thiết như sau:
– Bạn muốn đạt được điều gì với nụ cười của mình sau khi chỉnh nha xong? Dựa trên những mong muốn đó, sau khi có kế hoạch chỉnh nha hoàn chỉnh thì bác sĩ sẽ thông báo cho bạn biết rằng mong muốn đó có thể đạt được hay không? Và đạt bao nhiêu phần trăm? Bởi chỉnh nha không thể giải quyết vấn đề về sai hình xương nên với những trường hợp hô hay móm do xương nhiều, nếu chỉ chỉnh nha đơn thuần thì không thể mang lại kết quả thẩm mỹ hoàn hảo. Do đó, những trường hợp trên mà mong muốn có nét mặt nhìn nghiêng hoàn hảo thì cần phải can thiệp thêm phẫu thuật chỉnh hình.
– Bạn hay người thân có lo lắng khi phải nhổ răng, cắm vis hay không? Nhiều bạn hay phụ huynh tâm lý sợ đau, sợ xảy ra biến chứng nên bác sĩ cũng cần dựa vào đó để động viên, giải thích hoặc thay đổi một chút trong kế hoạch điều trị nếu có thể, bản chất bước này là thỏa hiệp làm sao hài hòa mong muốn bệnh nhân và kế hoạch điều trị tối ưu ban đầu. Đôi khi bệnh nhân muốn đánh đổi để có một trải nghiệm nhẹ nhàng và sẵn sàng chấp nhận kết quả không quá cầu toàn miễn là không đau.
– Điều cần hỏi thứ 3, bạn có dấu hiệu của loạn năng khớp thái dương hàm với các biểu hiện như: tiếng lục cục khi há ngậm miệng, đau mỏi khớp, há miệng hạn chế hay không? Với những trường hợp có rối loạn này, bạn cần phải điều trị khớp thái dương hàm ổn định trước đã.
– Tiếp theo, tình trạng bệnh lý toàn thân. Ví dụ, với những người bị hen suyễn có nguy cơ tiêu chân răng nên phải theo dõi và kiểm soát kỹ tình trạng chân răng; hoặc những người mắc bệnh máu khó đông thì cần phải phối hợp bác sĩ huyết học khi tiểu phẫu; một số bệnh toàn thân khác như bệnh tiểu đường, viêm khớp, loãng xương…
– Ngoài ra, với các bạn nhỏ cần hỏi phụ huynh thêm một số thông tin như trẻ đã dậy thì hay chưa? Có để ý thấy trẻ có một số thói quen như mút ngón tay, mút môi, đẩy lưỡi, thở miệng hay không?
Bước thứ hai sau bước hỏi là khám, bác sĩ sẽ khám tổng thể cả ngoài mặt và trong miệng để có cái nhìn bao quát nhất về các khía cạnh thẩm mỹ, chức năng và một số yếu tố liên quan.
Đối với niềng răng bác sĩ cần những thông tin, số liệu để đo đạc cụ thể mới có thể lên được chính xác kế hoạch và lộ trình di chuyển răng chi tiết. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn lấy dấu mẫu hàm nghiên cứu, chụp một bộ ảnh trong miệng, ngoài mặt và phim X-quang.
* Từ mẫu hàm sao chép bác sĩ sẽ quan sát bộ răng dễ dàng và đánh giá tình trạng cung răng rộng hay hẹp, sự lệch lạc, mất hay thiếu răng, kiểu khớp cắn và đo đạc kích thước răng giúp tính toán những chỉ số cần để phân tích.
Hiện nay, tại Nha khoa Thùy Anh có 2 hình thức lấy dấu: Phương pháp thứ nhất là lấy dấu mẫu hàm bằng silicon – là phương pháp truyền thống và được áp dụng phổ biến. Phương pháp thứ hai là dùng máy Itero Plus – công nghệ lấy dấu hiện đại có thể giúp biết trước kết quả niềng răng.
* Bộ ảnh ngoài mặt và trong miệng chuẩn hóa chung ở các tư thế và vị trí khác nhau để quan sát và đánh giá được hết những dữ liệu cần có.
– Ảnh ngoài mặt sẽ chụp tư thế mặt nhìn thẳng, nhìn nghiêng tự nhiên và lúc cười tươi. Với ảnh ngoài mặt, bác sĩ sẽ đánh giá thẩm mỹ khuôn mặt, thẩm mỹ nụ cười và cung cười trước điều trị như thế nào?
– Ảnh trong miệng bao gồm ảnh chụp toàn hàm trên, hàm dưới và ảnh 2 hàm cắn khít. Từ dữ liệu ảnh này, bác sĩ đánh giá được tình trạng thực tế của các răng mỗi hàm, lợi xung quanh, khớp cắn theo 3 chiều. Qua đó, đưa ra những kế hoạch can thiệp phù hợp nhất.
Đây cũng sẽ là những dữ liệu để so sánh, đối chiếu kết quả before – after khi chỉnh nha.
* Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định bạn chụp 3 phim X – quang khác nhau làm dữ liệu nghiên cứu. Cụ thể như sau:
– Một phim X – quang chụp toàn hàm gọi là Panorama.
Ở phim Xquang này sẽ cho thấy được những thông tin quan trọng như:
+ Thứ nhất là số lượng răng bạn có cả trên cung hàm và trong xương. Ví dụ: Bạn có tất cả bao nhiêu răng? Có mấy chiếc răng khôn? Có thiếu răng, mất răng, thừa răng hay có răng ngầm nào không?
+ Thứ hai là đánh giá được những bất thường từng răng như: Những răng đã điều trị tủy có tốt hay không? Chân răng có hình dạng hay chiều hướng bất thường không?
+ Thứ ba là đánh giá được mào xương ổ xem có bị tiêu hay không? Thường gặp tiêu mào xương ổ răng ở những bạn hay bị viêm nha chu nặng hay những bạn có răng khấp khểnh. Sau khi sắp đều răng ở những trường hợp này sẽ xuất hiện tam giác đen – là khe hở giữa 2 răng đã sát khít nhau gây mất thẩm mỹ. Ngoài ra, tam giác đen này cũng xuất hiện khi hình thể răng của bạn hình tam giác. Điều này sẽ được bác sĩ đánh giá và thông báo trước khi bắt đầu chỉnh nha.
+ Thứ tư là sự cân xứng hay bất thường lồi cầu 2 bên như thế nào đánh giá sự lành mạnh khớp Thái Dương Hàm trước điều trị.
+ Một điều nữa không thể không nhắc tới, phim Panorama còn giúp bác sĩ tiên lượng khoảng dịch chuyển răng trong những trường hợp cần đóng khoảng nhổ. Từ đó có thể đưa ra được kế hoạch thuận lợi nhất cho từng trường hợp cụ thể
– Phim X – quang thứ hai là phim mặt nghiêng, có tên gọi là phim Cephalometric
Đây là loại phim X-quang không thể thiếu. Trên phim này, bác sĩ sẽ đo đạc và phân tích những chỉ số khoa học đánh giá sai lệch về mô mềm, tương quan răng và tương quan xương hai hàm khi nhìn nghiêng là hô hay móm hay bình thường. Nếu bất thường thì là do xương hay do răng? Hướng tăng trưởng xương như thế nào? Từ đó mới đưa ra được hướng can thiệp phù hợp.
Không những thế, trên phim này còn phản ánh cả giai đoạn tăng trưởng ở những bạn nhỏ đang tuổi lớn thông qua đánh giá hình dạng đốt sống cổ.
– Phim X-quang thứ ba là phim mặt thẳng, hay còn gọi là phim PA. Trên phim này, bác sĩ cũng sẽ thực hiện đo đạc sự cân xứng khuôn mặt và đặc biệt là của xương 2 bên tư thế nhìn thẳng. Khi có tình trạng lệch mặt hay lệch đường giữa thì bác sĩ sẽ dựa trên những số liệu đó để tiên liệu rằng vấn đề đó có thể giải quyết được bằng chỉnh nha không hay cần can thiệp phẫu thuật.
Đến bước thứ 3 đó là tư vấn và trao đổi kế hoạch chỉnh nha giữa bác sĩ và bệnh nhân. Sau khi thu thập hoàn tất những dữ liệu trên, bác sĩ sẽ tổng hợp lại toàn bộ vấn đề, đưa ra hướng giải quyết cụ thể để có một kế hoạch chỉnh nha hoàn chỉnh, cá nhân hóa và sau đó tư vấn lại cho bạn.
Hi vọng thông tin bài viết trên sẽ giúp các bạn phần nào hiểu được khi thăm khám chỉnh nha sẽ trải qua những bước như thế nào và cần thu thập những thông tin gì để có một kế hoạch cụ thể.