Sợ đau là tâm lý chung của nhiều người khi thực hiện niềng răng. Rất nhiều bạn có cùng câu hỏi “Niềng răng có đau hay không?”. Thì câu trả lời là có đau, khi bước vào hành trình niềng răng bạn sẽ phải chấp nhận những đau đớn, khó khăn và khi vượt qua thì thành quả bạn nhận được là rất ngọt ngào.
Những khó khăn sẽ gặp phải khi niềng răng
Đau khi đặt thun tách kẽ
Trước khi tiến hành gắn mắc cài bác sĩ sẽ đặt thun tách tách kẽ vào kẽ răng 6 với hai răng bên cạnh, cảm giác đầu tiên sẽ khá khó chịu và vướng víu, tương tự như bị mắc thức ăn. Sau đó bạn sẽ cảm giác đau nhức khá nhiều do chun tách kẽ ép răng phải dịch chuyển tốc độ nhanh. Thời gian này, đau nhức khiến bạn ăn uống khó khăn, do đó cháo, súp và sinh tố hoa quả sẽ là lựa chọn thay thế tốt.
Thời gian đặt thun khoảng 7 – 10 ngày, khi đã có đủ khe giữa 2 răng thì bác sĩ sẽ tháo thun ra để thực hiện bước tiếp theo. Có thể ngày đầu chưa quen và khá khó chịu, bạn muốn lấy thun ra ngay lập tức, nhưng bạn hãy kiên nhẫn sau vài ngày răng dãn cách dần ra thì cảm giác khó chịu cũng sẽ giảm dần.
Một số bạn sau khi niềng răng xong có chia sẻ rằng “thời gian đau nhất và khó chịu nhất trong suốt mấy năm niềng răng là lúc đặt thun tách kẽ”. Vậy nên, trải qua được giai đoạn này là bạn đã qua được giai đoạn khó khăn nhất rồi.
Đau do mắc cài cọ xát vào niêm mạc môi, má
Hệ thống mắc cài niềng răng hiện nay được thiết kế nhỏ gọn và trơn nhẵn bờ cạnh nhằm hạn chế những cọ xát vào niêm mạc miệng gây tổn thương. Tuy nhiên, khi mới gắn thì niêm mạc môi, má sẽ chưa thích nghi được tốt nên vẫn sẽ có khả năng cọ xát gây đau hay trợt loét. Để tránh cơn đau này, bạn có thể sử dụng sáp nha khoa để làm rào chắn ngăn cách mắc cài và niêm mạc miệng. Sáp nha khoa có thành phần tự nhiên và đánh giá là an toàn với người sử dụng, nên khi bạn có vô tình nuốt cũng không gặp bất kỳ ảnh hưởng sức khỏe nào. Sau một thời gian niêm mạc môi, má thích nghi với mắc cài thì có thể bạn sẽ ít cần dùng đến sáp nha hơn hoặc không cần nữa.
Đau do dây cung cọ hoặc chọc vào má
Đuôi dây cung bị dài ra do quá trình răng dịch chuyển hoặc chạy lệch sang một bên làm một đầu bị dài chọc vào má, đoạn dây cung ở vị trí nhổ hay mất răng cũng dễ tỳ má gây đau.
– Với trường hợp răng dịch chuyển làm đuôi dây cung dài ra thì bạn có thể dùng sáp nha khoa để giảm sự khó chịu, nếu đuôi dây gây khó chịu quá nhiều thì hãy ra phòng khám để bác sĩ xử lý cắt bớt đuôi thừa, hoặc phủ composite chắc chắn hơn.
– Trường hợp dây cung chạy qua một bên làm đuôi dây một bên dài khó chịu thì với những dây cung nhỏ bạn có thể dùng nhíp tự chỉnh lại tại nhà; những dây to cố định chắc nếu có chạy sang một bên thì bạn hãy ra phòng khám để bác sĩ chỉnh lại chứ không nên tự ý cắt dây tại nhà. Thông thường, tại nha khoa Thùy Anh các bác sĩ sẽ làm một số cách để tránh chạy dây cung như: Bẻ đuôi hai bên với dây nhỏ và phủ một nút composite tránh dây đâm má; dây cung to không thể bẻ thì sẽ tạo những nút stop bằng Composite hoặc ống stop kim loại có sẵn giúp cố định tốt hơn.
– Trường hợp dây cung tại vị trí mất hay nhổ răng tỳ má thì chúng tôi thường luồn một ống nhựa nhỏ vào dây tại khoảng trống này giúp bạn dễ chịu hơn hẳn.
Đau sau mỗi lần tái khám định kỳ
Những cơn đau này đa phần là đau sinh lý do răng dịch chuyển trong xương ổ dưới tác động của những lực nhẹ liên tục tạo ra bởi dây cung trong mắc cài hoặc các chun buộc, chun kéo, lò xo tạo lực… Sau mỗi lần thay dây cung mới có kích thước to hơn thì răng sẽ dịch chuyển chút ít và sẽ có cảm giác đau. Thông thường, cơn đau kéo dài khoảng 2 – 3 ngày sau mỗi lần siết. Nếu đau làm bạn ăn khó hơn bình thường thì hãy chuyển sang thưởng thức một số món cháo, súp, bún hay phở mềm để bước qua những ngày này.
Đau trong giai đoạn đóng khoảng do dây chun kéo hay lò xo bị tỳ vùi vào lợi
Nguyên nhân là do cung răng của chúng ta có hình cung và độ uốn nhất định, nên một vài trường hợp khi kéo chun và lò xo đóng khoảng là một đường thẳng thì rất dễ bị tỳ lợi hoặc chun nằm sát lợi có thể bị vùi vào dưới lợi. Tuy nhiên, do lực kéo chun rất nhẹ nên chỉ khi dây chun bị xoắn vặn tỳ vào nhiều điểm gồ mới gây đau, còn nếu dây chun nằm thẳng đặt nhẹ trên lợi thì sẽ không có cảm giác gì kể cả bị vùi. Nhưng khi tháo dây chun hay lò xo bị vùi dưới lợi ra thì vẫn có đau một chút.
Tại Nha khoa Thùy Anh khi các bác sĩ tháo những dây chun, lò xo bị vùi dưới lợi ra thì sẽ xịt một chút thuốc tê trước khi tháo để giảm đau cho bạn nên cũng không có gì phải lo ngại.
Đau khi cắm vis
Hiện nay, minivis sử dụng rất nhiều trong chỉnh nha bởi vai trò rất quan trọng trong điều trị những ca hô, móm hay cười hở lợi… Hầu hết mọi người đều có mối lo lắng rằng cắm minivis có đau nhiều hay không? Thực ra quy trình cắm minivis rất nhẹ nhàng, diễn ra nhanh chóng và chỉ cần một lượng thuốc tê rất nhỏ. Tất nhiên sau khi cắm về thì sẽ có đau, nhưng cơn đau thường sẽ không nhiều, có thể chỉ kéo dài 2 – 3 ngày nếu bạn uống thuốc đúng theo chỉ định và vệ sinh minivis theo hướng dẫn. Thậm chí có một số bạn sau khi cắm minivis về đau rất ít, có khi không cần dùng đến thuốc giảm đau.
Đau khi nhổ răng khôn, răng hàm nhỏ, răng thừa hoặc răng ngầm
Cơn đau khi nhổ răng thường là lo lắng của nhiều người. Tuy nhiên, để loại bỏ những cản trở khi dịch chuyển răng trong chỉnh nha và tạo đủ khoảng xếp đều răng hoặc giảm hô thì việc nhổ răng là không thể tránh khỏi. Mức độ đau sau khi nhổ răng cũng tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Khi nhổ bạn sẽ được gây tê và nhổ không đau, sau khi hết thuốc tê bạn sẽ đau và cần đến thuốc nhưng cơn đau này chấm dứt khá nhanh.
Bên cạnh đó, những răng hàm nhỏ sắp nhổ thường sẽ được gắn mắc cài một thời gian để dây chằng quanh răng giãn ra, răng có độ lung lay nhẹ nên khi thủ thuật sẽ rất nhẹ nhàng và thuận lợi.
Qua thông tin trên bạn có thể thấy rõ được khi chỉnh nha bạn sẽ phải đối mặt với những đau đớn và khó khăn trong quá trình chỉnh nha. Nha khoa Thùy Anh chúng tôi luôn đồng hành cùng bạn suốt quá trình niềng răng và có những giải pháp để hạn chế được tối đa đau đớn gặp phải.
Không có hành trình làm đẹp nào mà không trải qua một vài cơn đau, và chắc chắn bạn sẽ có được kết quả xứng đáng với những nỗ lực và kiên trì đã bỏ ra. Rất nhiều người chỉnh nha thành công, từ lứa tuổi nhỏ cho đến lứa tuổi trung niên, mọi người đều vượt qua được và chắc chắn bạn cũng thế.