Một trong những vấn đề bạn cần quan tâm khi niềng răng đó là việc vệ sinh răng miệng đúng cách để đảm bảo sự khỏe mạnh của lợi, mô răng trong quá trình niềng cũng như khi tháo mắc cài. Hãy tham khảo những cách vệ sinh răng miệng khi niềng răng dưới đây.
Hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng đúng cách
Việc vệ sinh răng khi đang đeo mắc cài khó khăn và mất nhiều thời gian hơn so với hàm răng bình thường. Tuy nhiên, khi bạn thực hành quen các bước sau đây bạn sẽ có hàm răng sạch sẽ, hơi thở thơm tho, không lo sâu răng dù trong giai đoạn niềng răng.
Thứ 1: Chọn bàn chải và kem đánh răng
Bạn nên chọn loại bàn chải lông mềm, vừa với miệng của bạn, đầu bàn chải thuôn để len lỏi được vào sâu bên trong. Bạn có thể mua bàn chải máy, rất tốt cho việc làm sạch, tuy nhiên vẫn cần bàn chải thường để chải được các mặt của mắc cài.
Kem đánh răng có tính mài mòn thấp (thường các loại kem đánh răng làm trắng răng có độ mài mòn cao không phù hợp sử dụng trong thời gian niềng răng), bởi vì trong quá trình niềng răng, đeo mắc cài bạn có thể bị ê buốt vì vậy các loại kem đánh răng có chứa fluoride rất tốt.
Thứ 2: Chải răng thật kỹ, chải cả mắc cài
Chải răng tối thiểu 2 – 3 lần/ngày sau các bữa ăn chính. Chải dọc, hoặc xoay tròn, có thể chải ngang nhẹ ở các vị trí mắc cài.
Nguyên tắc là bạn chải tất cả các bề mặt răng, mặt ngoài, mặt trong, mặt nhai. Bạn nên nghiêng bàn chải tạo góc khoảng 45 độ để lông bàn chải đi sâu hơn vào trong rãnh lợi, có tác dụng mát xa, làm sạch lợi.
Chải cả phần cao, phần thấp và phần bên của mắc cài thật kỹ để lấy sạch thức ăn, mảng bám ở đây. Bạn cũng chú ý chải cả lưỡi, 70 phần trăm vi khuẩn tập trung ở lưỡi, việc chải lưỡi cho bạn hơi thở thơm tho và cảm giác dễ chịu.
Khi chải răng nếu thấy chảy máu bạn cũng đừng sợ. Khi đeo mắc cài bạn thỉnh thoảng có một vài điểm viêm lợi thì cũng là bình thường, bạn cần chải răng chăm chỉ và đúng kỹ thuật hơn. Khi bạn chăm sóc tốt thì một vài điểm viêm đó sẽ biến mất. Một vài bạn nói với chúng tôi rằng, khi chải răng thấy chảy máu và sợ quá nên không dám đánh răng nhiều nữa. Các bạn làm vậy chỉ làm tệ hơn tính trạng răng miệng của mình.
Thứ 3: Dùng bàn chải kẽ để làm sạch kẽ giữa 2 răng và mặt bên mắc cài

Sử dụng bàn chải thông thường không thể làm sạch hết các mảng bám vùng kẽ, vùng xung quanh mắc cài, nên bàn chải kẽ rất quan trọng. Động tác đưa lên đưa xuống, xoay bàn chải kẽ tại chỗ. Chú ý cọ vào các mặt bên mắc cài để làm sạch vùng này.
Thứ 4: Dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng
Những vùng kẽ răng bàn chải không tới được thì chỉ tơ sẽ làm sạch tốt. Mỗi lần chải răng bạn đều nên sử dụng chỉ tơ kết hợp và bắt buộc trước khi đi ngủ.
Bạn cắt 1 đoạn chỉ khoảng 20 – 30 cm. Khác với hàm răng bình thường, dây cung cản trở việc đưa chỉ nha khoa vào vùng kẽ giữa 2 răng, bạn cần luồn sợi chỉ qua dâu cung và bắt đầu thực hiện động tác hất trên xuống, kéo ra kéo vào làm sạch vùng này
Thứ 5: Sử dụng máy tăm nước
Thực ra thì tăm nước chỉ có tác dụng giúp bạn cảm giác miệng mình thoáng hơn, mát mẻ hơn, nếu bạn nào không có điều kiện mua tăm nước thì chỉ cần súc miệng mạnh cũng được.
Tuy nhiên có điều kiện thì đầu tư tăm nước cũng rất tốt. Ngoài việc vệ sinh theo quy trình tuần tự như kể trên, có thể những trường hợp vệ sinh nhanh, thì dùng tăm nước sẽ giải quyết được ở 1 mức độ nhất định. Chú ý việc dùng tăm nước không thay thế được sử dụng chỉ nha khoa.
Thứ 6: Dùng nước súc miệng
Nhiều dòng nước súc miệng trên thị trường bạn có thể dùng như listerine, colgate…
Sử dụng nước súc miệng không có gì đặc biệt, bạn có thể dùng trực tiếp hoặc pha với nước sao cho cảm thấy nồng độ nước súc miệng là dễ chịu nhất.
Thứ 7: Lựa chọn loại thực phẩm phù hợp
Bạn không nên ăn những đồ ăn dính, gòn như bỏng ngô, khoai tây chiên, hoặc các loại hạt khô, việc vệ sinh sẽ rất khó khăn. Một chế độ ăn hợp lý, cách vệ sinh răng miệng chuẩn chỉ sẽ đảm bảo cho bạn có hàm răng cũng như sức khỏe tốt trong suốt chặng đường niềng răng. Hi vọng thông tin bài viết trên sẽ hữu ích với bạn đọc.
